Gia Lai tổ chức nhiều sự kiện chào mừng 90 năm thành lập tỉnh
Ngày 16/4 tại Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức họp báo công bố “Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai 24/5/1932 - 24/5/2022”.
5 hoạt động chính
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (Tuần lễ các sự kiện - PV) là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của một tỉnh Tây Nguyên, được tổ chức từ ngày 19/5 đến hết ngày 25/5. Tuần lễ sẽ có 5 sự kiện chính diễn ra.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tại họp báo công bố Tuần lễ sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai.
Cụ thể, lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố “Di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh”, tổ chức vào đêm 21/5 tại trung tâm TP Pleiku.
Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên”, diễn ra vào ngày 21/5 tại trung tâm TP Pleiku, với chủ đề “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên và kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Gia Lai”. Đây là hoạt động nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, tạo điều kiện để các đơn vị đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai diễn ra vào ngày 21/5 tại trung tâm TP Pleiku. Chủ trì là lãnh đạo Trung ương và tỉnh Gia Lai, có khoảng 450 khách mời nước ngoài và trong nước. Tại hội nghị sẽ thông báo các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, ý kiến của chuyên gia, DN, ký kết và trao các giấy chứng nhận đầu tư.
Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai - Nhật Bản 2022”, diễn ra từ ngày 22/5 - 23/5 tại TP Pleiku, với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế. Sự kiện với chuỗi hoạt động đa dạng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và làm sâu sắc mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai với các tổ chức, DN, địa phương nước ngoài nói chung, với Nhật Bản nói riêng.
Cuối cùng là “Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022”. Hội chợ tổ chức từ ngày 20/5 đến hết ngày 24/5, với sự tham gia của nhiều DN trong nước và DN Nhật Bản, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặt ra 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là “đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch”. Hướng tới khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.
Mới đây, tỉnh Gia Lai đã được Thủ tướng phê duyệt 4 danh mục kêu gọi FDI gồm: Đường cao tốc Quốc lộ 19 đoạn từ ngã ba cầu Bà Di đến TP Pleiku; Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ; Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya; Dự án khu Nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay tỉnh đã liên hệ với Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư.
Đẩy mạnh phát triển du lịch
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, du lịch tỉnh Gia Lai đang được đánh thức “sau giấc ngủ dài”. Ở độ cao 700m - 800m với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà đã mang đến cho Gia Lai những thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là tuyệt tác giữa đại ngàn như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác 50, núi lửa Chư Đăng Ya, quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo (di tích quốc gia đặc biệt). Trong đó di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá ở xã Xuân An và phường An Bình, thị xã An Khê được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia (là 1 trong 10 điểm trên thế giới có di tích của người đứng thẳng với niên đại 80 vạn năm).
Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của 2 tộc người chiếm số đông tại Gia Lai là Jrai và Bahnar thực sự độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội…, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Gia Lai, với nhiều phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, kết hợp cùng chuỗi di sử đã tạo nên những thế mạnh riêng để địa phương phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Theo ông Trần Ngọc Nhung - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Gia Lai tuy có rất nhiều thắng cảnh, di sản thiên nhiên, là lợi thế cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành du lịch của tỉnh thiệt hại nặng nề. Nếu trong năm 2018 - 2019 có gần 1 triệu khách du lịch, thì 2 năm qua chỉ còn khoảng 200.000 khách du lịch/năm đến Gia Lai.
Bên cạnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành du lịch Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, mặc dù có rất nhiều cảnh đẹp nhưng đường giao thông không thuận tiện, kể cả thắng cảnh Thác 50 tuy có đường vào nhưng khó đi. Nhiều điểm khác không thể đầu tư vì vướng quy định chung của pháp luật (liên quan đến rừng), các nhà đầu tư chưa mặn mà với các điểm đến của Gia Lai.
“Trong 3 năm qua, tỉnh Gia Lai đã ban hành các chính sách phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế nông thôn để giảm khoảng cách giữa nông thôn - thành thị. Du lịch là một trong những lĩnh vực được quan tâm của tỉnh”, ông Trần Ngọc Nhung nói.
Tin tức - sự kiện
Các tin mới nhất
Gia Lai thu hút khách du lịch từ nhiều nơi
18-04-2022
Kinh nghiệm du lịch bỏ túi tại Gia Lai
18-04-2022